Kiến thức nhiếp ảnh

Định nghĩa nhiếp ảnh là gì, sự khác nhau giữa chụp ảnh và nhiếp ảnh

Bài viết của tác giả DannyB sẽ cho bạn hiểu khái quát về Định nghĩa nhiếp ảnh là gì, sự khác nhau giữa chụp ảnh và nhiếp ảnh . Mời bạn theo dõi

Nhiếp ảnh là gì?

Đây có lẽ là một trong những câu hỏi mà có tới hàng trăm cách giải thích khác nhau. Có khi cả nghìn cách để trả lời ấy chứ. Và có lẽ cũng chả có câu trả lời nào là trọn vẹn và đầy đủ cả. Nhưng hôm nay mình xin được trình bày cách hiểu của mình, theo kinh nghiệm và kiến thức của bản thân. Mình mong nó sẽ giúp cho nhiều bạn mới bắt đầu tìm hiểu về môn nghệ thuật này có được cái nhìn rộng hơn về nhiếp ảnh và chụp ảnh.

Một lần nữa mình xin nhấn mạnh rằng, đây không phải câu trả lời tổng quát nhất cho câu hỏi nhiếp ảnh là gì? Nó đơn giản là cách nhìn nhận của mình thôi. Hãy coi bài viết này là bước đệm ban đầu, các bạn từ đó mà tìm hiểu thêm cho rộng và sâu hơn. Để mỗi người sẽ có một cái nhìn tốt hơn về nhiếp ảnh.

Trước khi bắt đầu mình muốn các bạn lưu ý là bài viết gốc trên blog của mình đã được edit để link tới những web có kiến thức liên quan. Những trang web đó sẽ có nhiều thông tin hơn nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về từng chủ đề. Các bạn chủ động tìm hiểu thêm tại đây nhé: http://wp.me/p60q8q-vM

==
Mình bắt đầu làm quen với môn nhiếp ảnh từ sự đam mê muốn chụp được ảnh đẹp. Đơn giản lắm, chỉ muốn vậy thôi. Rồi mình mò mẫm từ tìm hiểu vài ba năm. Tất cả là nhờ Internet mà thôi, tại cũng chả quen ai biết về nhiếp ảnh cả. Cho đến khi mình thực sự đi học nhiếp ảnh chính quy ở Úc. Lúc đó đã là hơn 3 năm sau kể từ khi bắt đầu tự học. Cũng là thời gian khoảng gần 4 năm về trước rồi.


(c) Bảo tàng Albert Kahn – Chân dung nghệ sĩ tuồng Việt Nam. 1915.

Lúc đó, buổi đầu tiên đi học, cô làm quen với từng bạn, mình còn nhớ cô giáo có hỏi mọi người một câu: Em muốn làm gì sau khi tốt nghiệp?. Tới lượt mình, mình hăm hở trả lời:

Em muốn trở thành nhiếp ảnh gia chụp cưới ạ! – Lúc đó mình nghĩ làm “nhiếp ảnh”, chụp cưới là oai lắm rồi đó.
Em có chắc ko? – Cô nhìn thẳng vào mắt mình.
Chắc ạ! 

Thế rồi cái sự “chắc” của mình hoá ra nó không được “chắc” cho lắm. Nó bắt đầu lung lay từ 3 tháng đầu tiên đi học. Một trong những môn học khiến mình thay đổi hẳn về cách nhìn nhận của mình về nhiếp ảnh; đó là môn “Nghiên cứu về nhiếp ảnh gia lịch sử”. Mình có nghiên cứu về Elliott Erwitt và Alex Webb – trong đó thì Alex Webb vẫn luôn là thần tượng của mình. Mình đã hiểu hơn về 2 chữ “nhiếp ảnh”, về cái khả năng vô hạn và sự kỳ công của nó.

Không phải là mình trở lên không thích chụp cưới nữa, mà mình đã hiểu rằng nhiếp ảnh còn có nhiều điều ý nghĩa hơn mình tưởng. Định hướng tương lai của mình được rộng mở hơn khi tìm hiểu về những nhiếp ảnh gia lịch sử như vậy.


(c) Alex Webb – Trích trong cuốn The Suffering of Light. Mexico 1993.

Có chuyện này ngoài lề chút, có một số bạn trẻ mắc một tư tưởng sai lầm khi xem ảnh chụp của các nhiếp ảnh gia lịch sử, kể cả bản thân mình cũng từng mắc cái tật đó. Đó là nhìn ảnh người khác chụp rồi tự nghĩ “Ảnh này mình cũng chụp được” – chính vì cái ý nghĩ đó, khiến mình đã “không khá được” trong 3 năm đầu tìm hiểu nhiếp ảnh. Các bạn thử nghĩ xem, ảnh đó chụp từ xa xưa, ví dụ năm 50-60, riêng chuyện đó đã nói lên việc bạn ko thể chụp được ảnh đó rồi, bạn đã ra đời đâu cơ chứ hehee. Nói về chủ đề này thì nó cũng lan man lắm. Thôi thì, tạm thời hãy nghĩ thoáng hơn chút, sẽ học được thêm nhiều điều hay. Từ đó sẽ tự hiểu vì sao mình ko nên nghĩ như vậy 😀


(c) Elliott Erwitt – Trích trong sách Regarding Women. USA 1983.

Quay lại chủ đề chính. Khi mình tìm hiểu về 2 nhiếp ảnh gia trên, mình đã thấy nhiếp ảnh đã khác rồi. Nhưng người thực sự khiến mình thay đổi hoàn toàn định hướng về nhiếp ảnh của mình đó là Philip Jones Griffiths – tác giả của cuốn sách ảnh Vietnam Inc – người có tình thương lớn lao về con người và đất nước Việt Nam. Thêm với việc mình có xem nhiều bài phỏng vấn của ông trên Youtube. Mình nhận thấy ông thương Việt Nam lắm, ông không những đã tới chụp lại chiến tranh, sự tàn khốc của nó để kể lại cho thế giới biết rằng chiến tranh là thế đó. Đó cũng là một trong những bộ ảnh đã giúp chấm dứt cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ông còn quay lại Việt Nam để thăm nhiều lần và chụp lại quang cảnh thanh bình ở Việt Nam nữa. Các bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY nữa.


(c) Philip Jones Griffiths – Trích từ Vietnam Inc. Vietnam 1967

Mình chợt nghĩ sức mạnh của nhiếp ảnh thật to lớn. Mình trăn trở bấy lâu nay, suy nghĩ “Vậy nhiếp ảnh thực chất là gì?”. Gần đây mình đã có câu trả lời cho bản thân. Đối với mình, nhiếp ảnh là con người, văn hoá và cũng là lịch sử. Với một người theo đuổi nhiếp ảnh tư liệu (documentary) và chân dung (portrait) như mình. Nhiếp ảnh là đi tìm và kể lại những câu truyện. Từ truyện gia đình, cuộc sống con người, tới những câu truyện về văn hoá, lịch sử. Như vậy, nhiếp ảnh cũng là một cách để ghi chép lại lịch sử.

Còn cách thể hiện câu truyện đó thì mỗi người sẽ có một cách riêng, cùng một câu truyện, 2 nhiếp ảnh gia sẽ có 2 cách kể khác nhau. Vì khi làm nhiếp ảnh, ngoài việc thấu hiểu những kỹ thuật khoa học để sử dụng công cụ là chiếc máy ảnh, ống kính, đèn, phim…; còn phải hiểu về quy luật hội hoạ, thiết kế, ngôn ngữ hình ảnh; không những thế, nhiếp ảnh gia còn phải tìm được cách để thể hiện bản thân mình qua nhiếp ảnh.

Như Sebastiao Salgado từng nói:

Your photograph is your ideology – Ảnh của bạn là tư tưởng của bạn


(c) Dan Winters – Chân dung Dexter (Michael C Hall) – Chụp cho tạp trí Entertainment Weekly

Từ đó ta hiểu, chụp ảnh là làm sao có được một hay nhiều tấm hình đẹp. Còn nhiếp ảnh là cách thể hiện tính cách, tư tưởng của một cá nhân. Mình càng học càng thấy có nhiều điều mới mẻ và cũng càng cảm thấy mình chưa biết được bao nhiêu. Do đó, theo đuổi nhiếp ảnh cũng là hành trình học hỏi không những chỉ về nhiếp ảnh, mà còn về nhiều lĩnh vực khác nữa. Kho tàng kiến thức của nhân loại mênh mông lắm. Học tới hết đời người chắc cũng chả bõ bèn được bao nhiêu.

Chụp ảnh đẹp thì bất kỳ ai cũng chụp được, nhưng để làm nhiếp ảnh thì cần nhiều hơn là một sở thích.

Nếu bạn muốn chụp ảnh đẹp, hãy đi học nhiếp ảnh cơ bản, cách sử dụng thiết bị và tìm hiểu những quy luật cơ bản về nghệ thuật hình ảnh.
Nếu bạn muốn làm nhiếp ảnh, ngoài những việc trên, hãy bắt đầu tìm hiểu về lịch sử nhiếp ảnh, những tiền bối đã được công nhận trong lịch sử, học từ kinh nghiệm và con đường đi của họ. Rồi dần dần, phong cách nhiếp ảnh của bạn sẽ tiến hoá theo thời gian, theo sự nhận thức và kiến thức bản thân bạn.
Hãy đọc thêm về những người mình đã nhắc tên ở trên và một số nhiếp ảnh gia khác như:

Sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên mỗi danh mục giới hạn 4 nhiếp ảnh gia.

Ảnh tư liệu/chiến trường: James Nachtwey, Ed Kashi, Robert Capa, Eugene Smith
Ảnh chân dung: Arnold Newman, Mark Seliger, Marco Grob, Annie Leibovitz
Ảnh tư liệu đời thường: Henri Cartier-Bresson, Joel Meyerowitz, William Albert Allard, Vivian Maier
Ảnh nghệ thuật/trừu tượng: Irving Penn, Sally Man, Gregory Crewdson, Cindy Sherman
Ảnh thời trang: Richard Avedon, Nick Knight, Tim Walker, Patrick Demarchelier
Ảnh phong cảnh: Ansel Adams, Andreas Gursky, Ken Duncan, Peter Lik
Ảnh thiên nhiên hoang dã: Nick Brandt – thực ra mình ko rành về mục thiên nhiên hoang dã lắm nhưng mình rất muốn các bạn biết đến Nick Brandt 😀
..

Nói về các hạng mục của nhiếp ảnh thì nhiều mênh mông, khó mà kể ra được trọn vẹn. Nên tạm thời như vậy đã nhé!

Giờ tóm lại, với mình 2 chữ nhiếp ảnh có ý nghĩa như vậy đó. Với mỗi nhiếp ảnh gia, có lẽ sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau về bộ môn này. Các bạn hãy tìm hiểu thêm và hãy chia sẻ với mình nhé, mình cũng muốn thảo luận và học thêm từ các bạn 😀

DannyB

Nguồn: vuanhiepanh.vn