Ảnh phong cảnh

33 Di sản thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ cuối)

Sau đây là danh sách những Di sản thế giới mới được bổ sung trong hai năm 2020/2021, theo thứ tự do UNESCO công bố (phần tiếp theo).

18. Khu định cư và những xác ướp của nền văn hóa Chinchorro, Chile

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Những ngôi mộ cổ thuộc nền văn hóa Chinchorro. (Nguồn: travelawaits.com)

Tại các vùng Arica và Parinacota ở phía Bắc Chile dọc theo sa mạc Atacama, nơi khô hạn nhất trên Trái đất, có ba địa điểm cùng nằm trong danh sách Di sản thế giới. Nơi đây ghi dấu của những người săn bắt hái lượm cư trú trong khu vực từ khoảng năm 5450 trước Công nguyên đến năm 890 trước Công nguyên với những bằng chứng khảo cổ học lâu đời nhất về việc ướp xác, liên quan đến các nghi lễ mai táng phức tạp của họ.

19. Các địa điểm ShUM ở Speyer, Worms và Mainz, Đức

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Một địa điểm ShUM ở thành phố Mainz, Đức. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Các thành phố Mainz, Speyer và Worms của Đức đã được công nhận vai trò là trung tâm của văn hóa Do thái châu Âu trong thời Trung cổ và là nơi đầu tiên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Do thái ở Đức. Chúng được gọi chung là các địa điểm ShUM, theo tên thời Trung cổ trong tiếng Do thái. Các cấu trúc bao gồm giáo đường Do Thái, nhà tắm nghi lễ, nghĩa trang và trường học tôn giáo.

20. Nhà thờ Hồi giáo phong cách Sudan ở Bờ Biển Ngà

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Nhà thờ Hồi giáo ở Bờ Biển Ngà. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Tám nhà thờ Hồi giáo nhỏ bằng gạch nung theo phong cách Sudan ở phía bắc Bờ Biển Ngà đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các nhà thờ Hồi giáo xây bằng gạch bùn, trông khá thô sơ với các tháp nhọn, trong đó có một số có giá đỡ bằng gỗ tương tự như phong cách của các nhà thờ Hồi giáo ở Mali, có niên đại khoảng thế kỷ XIV.

21. Sítio Roberto Burle Marx, Rio De Janeiro, Brazil

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Khu vườn Sítio Roberto Burle Marx, Rio De Janeiro, Brazil. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Theo UNESCO, địa điểm này là một tác phẩm nghệ thuật sống động. Được kiến ​​trúc sư cảnh quan và nghệ sĩ Roberto Burle Marx phát triển hơn 40 năm qua, nơi đây là một khu vườn tuyệt đẹp ở khu phía Tây của thành phố Rio de Janeiro. Với khoảng 3.500 loài thực vật nhiệt đới và cận nhiệt đới được nuôi trồng, đây là khu vườn nhiệt đới hiện đại đầu tiên.

22. Những thị trấn spa tuyệt vời của châu Âu

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Quang cảnh spa Colonnade ở Cộng hòa Czech. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Các thị trấn spa tuyệt vời của Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã được công nhận chung về giá trị lịch sử, kiến ​​trúc, sức khỏe, du lịch và văn hóa spa. Từ Nhà tắm La Mã ở Bath (Anh), đến Vichy (Pháp), những thị trấn xinh đẹp này đều xứng đáng là điểm đến của du khách.

23. Những hàng hiên ở Bologna, Italy

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Những hàng hiên ở Bologna. (Nguồn: italymagazine.com)

Có điều gì tuyệt vời hơn việc đi bộ trên những vỉa hè rợp bóng mát, dưới những mái hiên được sơn màu và những hàng cột? Thành phố Bologna xinh đẹp có gần 40 dặm với những mái hiên này, không chỉ tạo nên những lối đi râm mát và mặt tiền cửa hàng, mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp tổng thể của thành phố Đông Bắc nước Italy.

24. Cảnh quan đá phiến ở vùng Tây Bắc xứ Wales, Vương quốc Anh

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Những khu mỏ ở vùng Snowdon. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Các khu mỏ và mỏ đá phiến cũ không nhất thiết phải lung linh, nhưng chúng nằm ở vùng Snowdon xinh đẹp của xứ Wales và thể hiện được một di sản văn hóa và công nghiệp đã định hình một quốc gia vốn được coi là “mái nhà của thế giới thế kỷ XIX”.

25. Công trình của kỹ sư Eladio Dieste: Nhà thờ Atlántida, Uruguay

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Nhà thờ Atlántida. (Nguồn: archleague.org)

Cách thủ đô Montevideo của Uruguay 45 km về phía Tây là nhà thờ Atlántida, công trình của kiến ​​trúc sư Eladio Dieste (1917–2000). Nhà thờ được làm từ gạch vào những năm 1960, với những đường nét uyển chuyển và vẻ đẹp tối giản. Đặc biệt, tháp chuông của nhà thờ này là một công trình kiến ​​trúc thật lạ mắt, với một cầu thang không có lan can mà hoàn toàn mở.

26. Công trình của Jože Plečnik, Ljubljana, Slovenia

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Một công trình của kiến trúc sư Jože Plečnik.

Kiến trúc sư Jože Plečnik đã định hình thành phố Ljubljana theo đúng nghĩa đen với kiến ​​trúc của mình. Từ những cây cầu, bảo tàng, nhà thờ và các tòa nhà công cộng, tất cả đều được xây dựng từ Thế chiến I đến Thế chiến II. UNESCO công nhận các công trình của ông là “Thiết kế đô thị lấy con người làm trung tâm”.

27. Đường sắt xuyên Iran

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Tuyến đường sắt xuyên Iran. (Nguồn: financialtribute.com)

Đường sắt xuyên Iran được xây dựng từ năm 1927 đến năm 1938, băng qua hai dãy núi và nối Biển Caspi với Vịnh Ba Tư. Với vô số đường hầm và cầu cạn, tuyến đường sắt băng qua một địa hình đẹp trải dài tới 865 dặm, khiến nó trở thành trải nghiệm không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai đam mê đường sắt.

28. Khu văn hóa Ḥimā, Saudi Arabia

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Khu văn hóa Hima ở Saudi Arabia. (Nguồn: News.cn)

Khi Saudi Arabia mở cửa du lịch, Khu văn hóa Hima là một trong những điểm tham quan không thể thiếu khi đến thăm đất nước rộng lớn này. Là một trong những khu phức hợp nghệ thuật đá có quy mô lớn nhất thế giới, khu vự ở miền núi phía Tây Nam của đất nước Arab này trưng bày bộ sưu tập đáng kinh ngạc các hình ảnh nghệ thuật trên đá từ hàng ngàn năm trước.

29. Quần đảo phía Nam của Nhật Bản

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Phong cảnh tại một hòn đảo phía Nam của Nhật Bản. (Nguồn: Steppes Travel)

Bốn hòn đảo trải dài dọc Biển Hoa Đông và Biển Philippines có thể là nơi khó đặt chân tới, nhưng đó chính là lý do khiến chúng rất đặc biệt. Đảo Amami-Oshima, đảo Tokunoshima, phần phía Bắc của đảo Okinawa và đảo Iriomote cho thấy sự đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật đặc hữu trong một môi trường sống đa dạng có diện tích khoảng 42.698 mẫu Anh.

30. Rừng mưa nhiệt đới và đầm lầy Colchic, Georgia

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Rừng mưa nhiệt đới ở Georgia.

Trên một dải đất dài 50 dặm dọc theo Biển Đen, có một hệ sinh thái độc đáo bao gồm rừng nhiệt đới và đất ngập nước, những nơi này đều là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Georgia được biết đến với những cảnh quan đa dạng và là một lựa chọn tuyệt vời cho những chuyến đi bộ xuyên rừng.

31. Bãi bồi thủy triều Getbol, Hàn Quốc

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Những bãi bồi Getbol ở Hàn Quốc. (Nguồn: visitkorea.org)

Trải dài dọc theo phía Nam và Tây Nam của Hàn Quốc, những bãi bồi thủy triều rộng lớn này là nơi sinh sống của khoảng 2.150 loài động thực vật, trong đó 22 loài đang bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa tuyệt chủng. Con người hầu như không thể tiếp cận những bãi bồi thủy triều này, nơi cư ngụ yêu thích của các loài chim nước di cư và chim bản địa.

32. Vườn quốc gia Ivindo, Gabon

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Vườn quốc gia Ivindo ở Gabon. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Ivindo là một công viên quốc gia bao gồm khoảng 300.000 mẫu đất rừng mưa rải rác với nhiều sông, hồ và thác nước. Khu vực này nằm trên đường xích đạo của Tây Phi và là một kho báu tự nhiên, nơi sinh sống của các loài voi rừng cực kỳ nguy cấp, các loài tinh tinh đang bị đe dọa, khỉ đột, báo hoa mai, nhiều loài vẹt và rất nhiều loài cá nước ngọt đặc hữu. Điểm đến rất xa xôi nhưng ngoạn mục này chỉ có thể đến được bằng đường sắt xuyên Gabon.

33. Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan, Thái Lan

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 2)
Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan. (Nguồn: thetripgoeson)

Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan nằm dọc theo dãy núi Tenasserim trong vùng sinh thái gần biên giới Thái Lan và Myanmar. Là khu rừng nhiệt đới xanh tốt quanh năm, đây là môi trường sống quan trọng của các loài động vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng, từ cá sấu Xiêm đến chó hoang châu Á.

Nguồn: TRUNG HIẾU - baoquocte.vn